Không bấm vùng phía trên kẻo mất tiền nhé!



SONATINE KẸO ĐẮNG

1. Tôi biết Quân khá lâu rồi, khi còn học chung trường cấp Ba. Cậu ấy là một học sinh giỏi có tiếng của khối và cũng hay là đề tài tám chuyện của lũ con gái chúng tôi. Ở đâu chả thế, với con gái thì cứ nhắc đến “mĩ nam” là câu chuyện cứ lê thê không bao giờ dừng. Vài lần gặp cậu ấy đủ để tôi đã ấn tượng lại càng ấn tượng thêm. Hết cấp Ba vào Đại học, Quân đối với tôi đơn giản lãng đãng như một chút kỉ niệm mà người ta thích nghĩ đến…

2. Tôi may mắn tìm được một công việc partime ở Dzu!. Những buổi chiều không phải học thêm ca nào, tôi đến quán làm phục vụ viên. Công việc không nhiều, tiền mỗi tháng cũng vừa ngót nghét đủ cho một bữa ăn trong ngày thôi nhưng tôi rất thích đến đấy. Tôi thích những con người mà mình làm việc cùng, thích phong cách và hương vị nước uống của quán, thích chiêm ngưỡng những góc độc mà anh kiến trúc sư giỏi giang đã tinh tế sắp xếp vào, thích bao nhiêu phong thái cảm xúc đa dạng của những con người đến Dzu! mỗi ngày giúp tôi thêm ý tưởng cho những bài tập Mỹ thuật đồ họa ở trường. Vui hơn nữa, tôi được gặp lại Quân. Cậu ấy làm tôi ấn tượng hơn khi cũng đến quán thường xuyên, chơi piano hai tiếng thứ 6, thứ 7 hằng tuần. Trước đây tôi nghĩ Quân chỉ học giỏi, không ngờ cậu ấy chơi đàn lại hay đến thế!

Có lẽ lúc trước tôi khá là trầm, học hành cũng chỉ mức thường, suốt ngày ru rú trong lớp với hai ba đứa bạn thân, Quân không hề nhận ra tôi. Cho mãi đến khi tôi lấy hết can đảm bắt chuyện với cậu bạn, hôm cả hai cùng nghỉ làm một lúc. Kể từ hôm đó, chúng tôi thân thiết hơn. Giữa Sài Gòn rộng lớn, bạn bè thì tản mác mỗi đứa một nơi, cái duyên kì ngộ này cũng như kiểu từ trên trời rơi xuống!

3.Những giờ quán có người chơi đàn thì đông khách hơn hẳn.Nghe riết thì dân mù nhạc cổ điển như tôi mới nhận ra: ngày nào đến, Quân cũng bắt đầu với một bản nhạc và không bao giờ đổi. Tôi để ý thì thấy có một hai người đến quán rất đúng giờ, đến phục vụ mới biết họ căn giờ để được nghe bản nhạc nhẹ nhàng đầy thu hút mà Quân chơi đó. Tôi cũng kết bản ấy, nghe hoài mà không biết chán, thích đến nỗi hỏi thăm Quân tên để download vào ipod nghe hằng ngày. Kì lạ, cậu ấy gọi đó là Bản Sonatine kẹo đắng, ghi vào CD tặng tôi kèm một gói kẹo cà phê nhưng danh tính thực sự của nó thì cứ mù mờ như thế. Không hiểu sao bao nhiêu bài mà hỏi thì cậu ấy cũng nói làu làu, chỉ có mỗi bản đó lại nói một cách ngoại lai như thế. Mà kì, cái tên lai tây lai việt thế này thì là do người chơi phiên ra thôi, nhưng sao giai điệu nhẹ nhàng thanh thoát như thế lại bị cho là như kẹo đắng? Một vài khách đến quán cũng hỏi tôi có biết đó là bài gì không. Tôi trả lời ngập ngừng: Sonatine kẹo đắng, còn họ thì mắt tròn mắt dẹt nhìn tôi, nhiều người tỏ ý khinh thường tôi chẳng biết gì. Tôi cũng chỉ biết cười trừ nhận là mình thiếu hiểu biết về âm nhạc thôi. Mà dẫu cho cất công hỏi han biết bao nhiêu người thì cũng chưa có ai cho tôi một đáp án nào có thể tin tưởng cả: “Có lẽ người ta chỉ gọi nó là Sonatine không hề có cái tên cụ thể nào. Đơn giản vậy thôi!”

4. Ngọc hay đến Dzu! lúc chúng tôi tan ca. Một vài lần đụng mặt khi lấy xe về, cô bé gọi tôi là chị. Ngọc trông dễ thương, cặp mắt đẹp, lông mi dài, không cộp mác kính cận dày cộm như tôi. Ngọc đến rồi về với Quân, thi thoảng, họ ở lại làm khách của quán. Họ chắc là một cặp. Tôi cũng thấy buồn man mác, rất hi vọng người được Quân kéo ghế, rót nước là mình chứ không phải cô bé ấy. Sau những ca làm ấy, tôi thường cho play duy nhất một bản Sonatine kẹo đắng để nghe suốt cả quãng đường 4 cây số về nhà. Tự dưng tôi lại thấy buồn hơn, cảm giác như vị đắng của cà phê không đường không đá đang len lỏi vào tim. Khúc nhạc đắng hay trái tim tôi đắng? Vu vơ nghĩ ngợi, không lẽ lại có thể đồng cảm được với cảm xúc thực sự của bài hát, mắt tôi ươn ướt không biết vì đi xe nhanh hay vì lí do khác? Đường đông thế này, tốc kế cũng chạy đong đưa ở số 20...

Không chỉ tôi mà những ai hay đến với Dzu! cũng bị bản Sonatine lạ kia hấp dẫn, lúc trước nghe ai nhắc đến nó, tôi cũng vểnh tai vẩu môi lên hóng hớt, nhưng giờ thì ít hơn. Cảm giác đăng đắng nghèn nghẹn ở cổ. Uhm, Sonatine hay nhưng khiến tôi buồn…

5. Anh chủ quán tốt tính, nên nhân viên như chúng tôi cũng không bị gò bó quá mức, chỉ cần làm việc chỉn chu nhiệt tình là ổn. Những giờ văng vắng khách, anh bảo chúng tôi nhờ Quân đệm cho rồi làm ca sĩ lên hát vài bài đổi không khí. Trong đám chúng tôi có vài người hát rất hay, mà Quân đệm đàn thì khỏi nói, hào hứng, nhiều khi chúng tôi chơi liền một lúc cả thành cả mini show hoành tráng. Nhạc Trịnh có, nhạc teen có, nhạc Anh có, thậm chí nhạc Pháp hay nhạc Hàn như Because I’m stupid và No orther cũng có. Quân chơi được tất, chúng tôi thích thú, người ở dưới vỗ tay rộn ràng, người ở trên tự tin hát vô cùng khí thế. Quanh đi quẩn lại, cả quán có khoảng chục tiếp viên, tôi lặng lẽ cố tình trốn tránh nhưng rồi cũng bị lôi lên, phải gượng làm ca sĩ một phen. Tôi hát Nobody’s home của Avril, giọng run run hồi hộp. Hát trong tiếng vỗ tay hào hứng của mọi người, mọi ánh mắt đổ dồn nhìn tôi nhưng không phải vì thế mà tôi thấy tim mình đập nhanh hơn bình thường. Khi tôi khẽ liếc nhìn qua Quân đang thả hồn theo những phím đàn đen trắng, cuốn giai điệu vang lên mượt mà, rồi khi cậu ấy bất chợt ngẩng lên nhìn tôi để ra hiệu hát lại đoạn điệp khúc. Bốn mắt nhìn nhau, cậu ấy nhấc tay đệm lên vẽ một vòng tròn trong không trung, miệng hấp háy hai chữ “điệp khúc”, có cảm giác như tôi đã lạc mất nhịp điệu, giọng hát thì vỡ òa trong niềm vui kì lạ.

- Hai người kết hợp vô cùng ăn ý đó nha!

- Tập dượt trước với nhau rồi giờ lòe thiên hạ đúng không.

- Ghê nha! Người đàn, người hát sao mà hiểu ý nhau thế?

Những câu nhận xét làm tôi ngượng đỏ mặt, mà cũng thấy vui vui trong lòng. Quân cười hiền, cám ơn lời khen của mọi người: “Nhờ bạn ấy hát hay quá ạ!”

Quân cười, nhìn tôi, cậu ấy xòe ngón cái làm điệu No.1, tôi nhìn, miệng cười không nói thêm gì. Hôm ấy, về nhà trọ, cả tối tôi chỉ nghe mỗi Sonatine kẹo đắng, ngồi thu lu một góc trong phòng, tay cầm chặt chiếc ipod, tai gắn chặt chiếc phone, mơ mơ màng màng, lãng đãng mặc kệ nhỏ Hạnh tíu tít này nọ cho đến khi nó phát bực vì không cạy nổi miệng tôi nửa chữ. Sao tôi lại hát, sao lại cười, sao lại khen tôi, sao tôi vui đến thế? Sao Sài Gòn rộng lớn và đông đúc, không giúp tôi tìm thấy một người nào khác mà lại là Quân? Sao lại có Ngọc? Sao tôi không thể hoàn toàn vui khi nhìn họ ngồi mặt đối mặt với nhau với những cốc capucino và cà phê đen thơm ngất? Hàng loạt câu hỏi tại sao cứ liên tiếp xuất hiện, một chút ngọt thanh, nhiều chút đắng ngắt, tôi bóc viên kẹo cà phê trong ngăn bàn nhâm nhi, một gói mới tôi vừa mua buổi chiều. Gói thứ ba, vẫn mác kẹo mà Quân tặng kèm tôi với đĩa CD cách đây mấy tháng…

6. Tôi quyết định xin nghỉ làm ở Dzu! dẫu rất tiếc công việc và mọi điều thú vị ở đây. Lúc tính tiền lương tháng cuối, anh chủ quán cũng thoáng cau mày tiếc nuối.

- Tiếc quá, sao nghỉ đột ngột vậy em? Nếu rảnh thì cứ ghé vào đây nha, anh giảm giá tiền nước cho! Đến cho vui, thỉnh thoảng lại lên hát một bài như hôm bữa nghen?

Tôi cười, tôi trả lời anh rằng “cũng không biết nữa” mà thực sự đầu óc cũng ngỡ ngàng mơ hồ như thế. Uhm, có lẽ tôi sẽ đến đây vào sáng Chủ Nhật, hay một ngày nào đó khác thứ Sáu, thứ Bảy, và chiều Chủ Nhật nữa, tốt nhất tôi nên ít nhìn khuôn mặt ấy hơn, để những ấn tượng từ từ mờ phai và chỉ còn lại chút kỉ niệm lãng đãng mà người ta thích nghĩ đến. Tôi tặng lại cho anh chủ quán CD của Quân. Bảo anh hôm nào Quân không đến thì cũng có thể mở nó lên để nghe bản nhạc đó, bản gì thì tôi cũng không biết, chỉ thấy thích và thấy hay, nếu tôi có đến quán đường đột mà yêu cầu bài này, anh cũng có thể kịp thay Quân ứng phó với tình thế cấp bách khi đàn không người trống. Anh nhìn chiếc CD để trong bao bóng, chỏng chơ không bìa giấy, nhìn tôi có chút thắc mắc nhưng không hỏi thêm gì. Tiễn tôi ra cửa để về. Tôi tạm biệt những người cùng ca quen thuộc, tạm biệt anh chủ quán, tạm biệt cái piano những giờ vắng ngón đàn của Quân, tạm biệt Dzu!, tạm biệt một chút yêu đầu. Trên ipod hiển thị chế độ chỉ một bài hát, Sonatine kẹo đắng vang lại từ phía xa ngân nga, ngân nga…

7. Lâu lâu, tôi lại thuận đường ghé ngang quán, nhìn lướt lướt trong vài giây đi qua đấy. Kể từ lúc nghỉ việc, tôi đến quán một lần cùng với mấy đứa bạn trong nhóm học tập. Anh chủ quán giữ lời hứa, đón tiếp chúng tôi tận tình như những bạn khách quen. Tôi không gặp lại Quân kể từ đó, đôi khi nghĩ thật buồn, nghe lại bản nhạc, viên kẹo cà phê đăng đắng lại ngòn ngọt trong cổ. Cái dư vị ngọt ngào kì lạ mà chỉ mỗi kẹo cà phê mới có.

- Linh! Linh à! Linh…!

Tôi quay đầu lại, là Quân. Dù Sài Gòn rộng lớn, đông đúc, người ta vô tình gặp nhau cũng không phải là chuyện không bình thường. Chúng tôi cùng bước vào Dzu!, không phải nhân viên cùng ca mà là những người bạn ngồi cùng bàn, mặt đối mặt ngay góc gần chiếc piano đang không có người chơi. Hơi gượng gạo, nhưng cảm giác ấy cũng trôi qua thật nhanh. Chúng tôi nói chuyện với nhau, đơn giản như những người bạn lâu lâu được gặp lại:

- Hôm Quân đến làm, không thấy Linh, mới đầu nghĩ là bị ốm, cũng hơi lo lo. Sau rồi riết mấy bữa không gặp, hỏi mấy anh chị quen đây mới biết là Linh nghỉ làm rồi, hoảng gì đâu. Quân hỏi cả anh chủ quán, thì rất ngạc nhiên khi thấy chiếc đĩa CD…

- Mình để lại cho anh ấy để mở Sonatine kẹo đắng khi cậu không đến đây! Mình cũng nghiền lắm!

- Cậu vẫn nhớ cái tên đó à? Sonatine kẹo đắng ấy?

- Uhm, nhớ chứ? Còn có cái này cho cậu nè! - Nói rồi tôi rút trong túi áo khoác ra hai cái kẹo cà phê vẫn là của mác đó.

- Thực ra, cái tên Kẹo đắng là do mình ghép vào. Tác giả của nó mình cũng không rõ lắm, người ta chỉ ghi tắt ba chữ cái đầu tên của nhà soạn nhạc này. Mình từng nghĩ là Beethoven nhưng không phải.

- Ra là thế? Sao cậu lại ghép vào thành một cái tên dễ gây tò mò thế? - Tôi vừa hỏi vừa cười.

- Là Ngọc.

Tôi hơi sững lại, đột nhiên Ngọc lại trở thành chủ đề nói chuyện giữa tôi và Quân. Tôi ngập ngừng:

- Ngọc hay đến đây phải không? Tớ nhớ mấy lần tan ca có gặp bạn ấy!

Quân kể tôi nghe về Ngọc, cô bé nhỏ hơn tôi một tuổi. Quen Quân vì cùng học piano với cậu ấy một thời gian. Cô bé đó, Quân bảo, hơi phiền phức, tính tình cũng hơi kì kì, cách cô bé ấy chơi đàn khiến người ta hơi khó chịu: có chút gì đó gắt gỏng, nhát nghiền. Là con một, gia đình khá giả, nhưng bố mẹ lại chẳng mấy quan tâm. Ngọc và Quân như hai anh em, lâu lâu lại nói chuyện hàn huyên giúp cho cô bé vui vẻ, cởi mở hơn. Ngọc tìm thấy bản nhạc đó trên mạng, nhờ Quân chơi cho nghe, thế là cậu ấy tập chơi. Nghe và nghiền, rồi nhiều người khác như tôi cũng nghe và yêu thích lúc nào không biết. Những lúc bị bố hay mẹ mắng, Ngọc thường tìm Quân như một chỗ để thoải mái than vãn, Quân hay đưa cho Ngọc một viên kẹo cà phê. Kẹo đắng rồi sẽ ngọt, lúc này buồn rồi lúc khác sẽ vui. Hai tuần trước, Ngọc sang Mỹ cùng gia đình, đi luôn, không hứa sẽ về nước trở lại. Thế rồi, Quân nhắc lại một vài lần đến Dzu!, nhắc lại về bài hát tôi được hát với tiếng đàn của cậu ấy.

- Hôm đó cậu hát hay thực, mình cứ muốn cậu hát lại một lần nữa, sẵn tiện thu âm luôn, cho vào máy, chắc là bị rè rè nhiều do điều kiện thế này nhưng mà lâu lâu nghe cho nó đỡ nhớ. Nghiền cũng giống như cậu thích bản Sonatine vậy?

Có phải là Quân đang nói với tôi, những điều mà tôi chưa từng nghĩ đến. Quân hỏi số điện thoại của tôi, cậu ấy bảo từng định mấy lần rồi lại quên, cứ đinh ninh làm cùng ở đây thì dễ gặp. Đến khi tôi nghỉ làm thì mới chưng hửng trách bệnh đãng trí của bản thân. Quân đề nghị cho cậu ấy đàn để tôi hát lại Nobody’s home, tôi bật cười bảo nếu là Hey Soul Sister thì sẽ nghĩ lại. Cậu ấy đồng ý, xin phép anh chủ quán, chúng tôi lại cùng hát, thú vị, ăn ý như hôm đó. “Hey Soul Sister” cứ lặp đi lặp lại, Quân nhìn tôi cười. Cô gái nào thấp thoáng trong ca khúc đang cười với dư vị hạnh phúc của cà phê trước đắng sau ngọt cũng giống như tôi. Lại có gì của Sonatine kẹo đắng, ngọt ngào như lại được yêu thương!







Không bấm vùng phía dưới kẻo mất tiền nhé!

Ring ring